Trong văn hóa đại chúng Bánh_mì_Việt_Nam

Cho tới nay, bánh mì kẹp thịt vẫn là món ăn phổ biến và được yêu thích của người Việt Nam, đặc biệt là giới sinh viên và người lao động.[4] Bánh mì chủ yếu để ăn sáng, nhưng chúng có thể được phục vụ đến tận nửa đêm vì tính tiện dụng, nhanh gọn.[42][110] Ngoài ra, món ăn còn xuất hiện trong các bữa tiệc hoặc mâm cơm gia đình, ăn cùng với các thứ đồ ăn như bò kho hoặc cà ri. Đối với các tiệm phở, hủ tiếu, thì bánh mì dùng để đáp ứng khẩu vị của một số người, đồng thời còn được xem như một món ăn kèm chống đói.[32] Có nơi còn nặn bánh mì theo hình các con vật và hoa quả để kích thích người mua.[111]

Một xe bán bánh mì vỉa hè tại Sài Gòn.

Tác phẩm nghệ thuật

Văn chương

Dù là món ăn rất phổ biến, nhưng bánh mì lại ít khi được đưa vào văn chương. Thế hệ học sinh ra đời sau năm 1975 có nhiều người thuộc lòng các câu thơ của Phan Thị Vàng Anh trong sách giáo khoa tiểu học: “Hôm nay trời nắng chang chang/Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/Chỉ mang một chiếc bút chì/Và mang một mẩu bánh mì con con”. Đồng thời, Lê Văn Nghĩa – một nhà văn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, có niềm đam mê với món này đến nỗi ông đã đưa chúng vào khá nhiều cuốn sách của mình: Hạt bụi bên nhau; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy và đặc biệt là truyện dài Mùa Hè năm Petrus.[110]

Điện ảnh và truyền hình

Bánh mì Việt Nam được nhắc đến nhiều trong phim truyền hình Bánh mì Ông Màu phát sóng trên VTV7,[112] với nội dung xoay quanh nhân vật ông Màu – cựu chủ tịch của một công ty bất động sản – đã từ bỏ sự nghiệp khi vì muốn thực hiện ước mơ của mẹ mình còn dang dở là phát triển chuỗi cửa hàng bánh mì Việt. Các nhà sản xuất hy vọng rằng bộ phim này sẽ góp phần quảng bá bánh mì Việt Nam. Đạo diễn Nguyễn Quang Minh cũng cho biết: "Bánh mì ngon cần hai yếu tố: nước xốt và nhân. Trong phim sẽ khai thác sâu vào hai yếu tố này. Trong đó, hai loại nhân là xíu mại trứng muối và ba rọi xốt tiêu đen".[113] Tác phẩm đã có buổi ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 10 năm 2020.[114]

Một tác phẩm khác có liên quan đến bánh mì Việt Nam là Vua bánh mì, với phần kịch bản được mua bản quyền từ Hàn Quốc. Bánh mì trong phim là loại bánh mì sản xuất trong nhà máy, mang yếu tố hiện đại. Tuy nhiên, đạo diễn Phương Điền cho biết anh chỉ lấy cốt truyện, còn "chuyện làm bánh phải thuần Việt Nam".[113] Để vào vai, diễn viên Cao Minh Đạt cùng một số người khác đã phải đi học làm bánh tại công ty sản xuất bánh chuyên nghiệp.[113][115][116] Ngoài những tác phẩm trên, bánh mì còn được giới thiệu trong phim tài liệu PBS năm 2002 Sandwiches That You Will Like,[117] đồng thời còn xuất hiện trên phim tài liệu Street Food của dịch vụ Netflix.[118]

Âm nhạc

Ca khúc Bánh mì không của Đạt G và Du Uyên lấy cảm hứng từ tiếng rao bánh mì trên những con hẻm của Sài Gòn.[119] Do đây là thứ đồ ăn gắn liền với tuổi thơ của Đạt G, nên từ lâu anh đã ấp ủ ý định đưa bánh mì vào âm nhạc. Sau khi ra mắt, nhạc phẩm đã gây tiếng vang lớn và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.[120]

Trong sự kiện quảng bá bánh mì diễn ra vào năm 2020, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã cho ra mắt bài hát Tôi yêu bánh mì Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm 9 năm từ "banh mi" được đưa vào từ điển Oxford. Ê-kíp sáng tác đã thực hiện bài hát bằng cách kết hợp ngũ âm với giai điệu vè, đàn nhị truyền thống, phối khí trên nền nhạc hiện đại.[121]

Năm 2021, tác giả Lương Kim Long đã sáng tác nên ca khúc Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau, với giọng ca do Phú Hiển thể hiện. Niềm cảm hứng sáng tác chợt đến với Long khi anh đọc một bài báo có nhan đề cùng tên, viết về những người đi phát bánh mì từ thiện trong mùa dịch. Khi ấy, anh đã quyết định sáng tác bài hát nhằm thay lời cảm ơn đến họ. Tác phẩm có phong cách nhạc pop với màu sắc tươi vui và lạc quan. Sau khi phát hành trên mạng xã hội, ca khúc đã nhận về những lời khen từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả.[122]

Hội họa

Một nhóm nghệ sĩ trẻ đã cùng nhau vẽ bộ tranh với đề tài xoay quanh ổ bánh mì, tập trung vào những biến tấu trải dài khắp ba miền Việt Nam.[123] Trong khoảng thời gian 9 tiếng thực hiện bộ tranh, các họa sĩ đã chọn ra những loại bánh mì quen thuộc nhất với bản thân để giới thiệu đến khán giả.[124] Một họa sĩ trong nhóm cho biết, ngoài yếu tố màu sắc kích thích vị giác thì tranh phải thể hiện nét đặc trưng của món ăn trong phần nhân, cũng như hài hòa về bố cục.[125]

Sự kiện

Năm 2011, thuật ngữ "banh mi" đã có mặt trong từ điển Oxford với ghi chú như sau: "(Trong ẩm thực Việt Nam) là một loại sandwich bao gồm một chiếc bánh mì (theo truyền thống được nướng bằng cả bột gạo lẫn bột mì) với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, thường là thịt, rau ngâm và ớt."[110][126][127][128]

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhằm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh, giới thiệu rộng rãi hơn đến bạn bè và du khách quốc tế về nét đặc sắc của bánh mì Việt Nam thông qua tuần lễ “Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn”, bắt đầu từ ngày 24 đến 31 tháng 3 năm 2020. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động về chiến dịch truyền thông "Du lịch ẩm thực" Thành phố Hồ Chí Minh - Giai đoạn 1 "Bánh mì Sài Gòn." Tuần lễ này đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của rất nhiều doanh nghiệp du lịch, thương hiệu bánh mì, doanh nhân cũng như các văn nghệ sĩ.[129][130]

Một nhà hàng tại Sài Gòn đã chào bán món bánh mì với mức giá 100 đô la. Chiếc bánh này được làm giống bánh mì Hội An với nhân thịt heo là chủ yếu, nhưng lại có chút biến tấu theo phong cách ẩm thực Pháp.[131] Theo đó, những nguyên liệu đắt đỏ sẽ được cho vào món ăn, chẳng hạn như gan ngỗng Pháp, sườn heo nướng cắt theo "tỉ lệ vàng", sốt mayonnaise làm từ nấm truffle Ý, ngoài ra còn phục vụ kèm với trứng cá tầm, khoai lang chiên và rượu vang trắng.[132][133] Tuy nhiên, món ăn đã dấy lên tranh cãi trên cộng đồng mạng,[132] họ cho rằng cho rằng trả một số tiền lớn như vậy để thưởng thức một món ăn đường phố là điều rất xa xỉ và không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.[134] Mặc dù vậy, việc kinh doanh món bánh này khá thành công do có nhiều người tò mò, tìm hiểu.[135]

Vào tháng 5 năm 2018, giải thưởng James Beard được tổ chức và tiệm bánh Đông Phương đã giành chiến thắng ở hạng mục "James Beard Foundation America’s Classics".[7][136] Trong khuôn khổ Miss Universe của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 tại Thái Lan, H'Hen Niê đã mặc một chiếc váy có hình giỏ bánh mì, thu hút được nhiều sự chú ý ở cả trong lẫn ngoài nước.[137][138] Ý tưởng cho mẫu váy này đến với nhà thiết kế Phạm Phước Điền khá bất ngờ, khi anh đang cạn ý tưởng. Anh kể "Trong một buổi đi làm về, tôi thấy hình ảnh người nước ngoài đứng xếp hàng mua bánh mì và thưởng thức trong sự vui vẻ, hạnh phúc. Thế là tôi đặt bút vẽ với quyết tâm quảng bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam ra thế giới".[139]

Ngày 25 tháng 2 năm 2020, trong khi cách ly 20 người Hàn Quốc tại Việt Nam để phòng bệnh virus corona 2019, khu cách ly đã cung cấp cho họ món bánh mì thịt và bỗng chốc món ăn này trở thành tâm điểm chú ý một lần nữa bởi vì thái độ của người ăn.[140][141][142][143] Ngày 24 tháng 3 cùng năm, Google Doodle đã tổ chức tôn vinh bánh mì Việt Nam giữa đại dịch COVID-19 trên trang chủ ở nhiều quốc gia.[144][145] Ngoài ra, đây cũng là ngày mà bánh mì được đưa vào từ điển Oxford 9 năm về trước.[146]

Vào ngày 19 tháng 7 năm 2021, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi hình lại một tổ kiểm tra liên ngành tại Nha Trang xử phạt một thanh niên vi phạm Chỉ thị 16.[lower-alpha 4][148] Trong đoạn clip đó, thái độ của một cán bộ và lời giải thích "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu" đã khiến cộng đồng mạng bức xúc.[149][150][151] Sau vụ việc này, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.[152]

An toàn vệ sinh thực phẩm

Nhiều trang truyền thông, báo chí từng lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm ẩn bắt nguồn từ những chiếc bánh mì không đảm bảo vệ sinh. Theo đó, khá nhiều người kinh doanh bánh mì đã sử dụng những dụng cụ khá đơn giản, không đáp ứng vệ sinh, đồng thời người chế biến còn không đeo găng tay và dùng giấy báo cũ, bẩn để gói bánh. Bên cạnh đó, nơi bán bánh mì còn nằm ở những chỗ gần đường có nhiều khói bụi, sản phẩm không được che đậy cẩn thận.[153] Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất bánh cũng bị xử phạt do vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.[154][155][156] Chính những yếu tố trên đã dẫn đến hệ lụy khiến người ăn ngộ độc thực phẩm.[157][158][159][160]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bánh_mì_Việt_Nam http://www.balesandwich.com/our-story http://www.nydailynews.com/archives/lifestyle/east... http://www.oxforddictionaries.com/definition/banh+... http://www.sandiegouniontribune.com/business/touri... http://www.vietworldkitchen.com/blog/recipes-banh-... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/artic... http://online.wsj.com/article/SB100014240527487035... http://citypaper.net/articles/2006-07-20/food6.sht... http://www.wqed.org/tv/natl/sandwiches/index.shtml http://wwno.org/post/vietnamese-po-boy